LỄ HỘI VÍA BÀ CHÚA XỨ NÚI SAM TẠI CHÂU ĐỐC

QUẢN LÝ TỔ CHỨC LỄ HỘI
VÍA BÀ CHÚA XỨ NÚI SAM TẠI CHÂU ĐỐC - AN GIANG

MỞ ĐẦU

  1. Lý do chọn đề tài

            Là một người con sinh ra và lớn lên ở mảnh đất An Giang với nhiều lễ hội lớn nhỏ và các di tích văn hóa lịch sử, tập trung nhiều công trình kiến trúc cùng hàng trăm chùa, miếu, am mang dấu ấn của một thời khẩn hoang mở đất. Bên cạnh những di tích lịch sử văn hóa, lễ hội cũng là một loại hình văn hóa đặc sắc của nơi đây, trong đó vang danh khắp trong và ngoài nước là Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Mang trong lòng khao khát được góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị lễ hội truyền thống. Đề tài này xoay quanh nội dung chính là khoa học quản lý, công tác tổ chức lễ hội, nguồn tài chính, nguồn nhân lực, quảng bá và những thành tựu đạt được. Từ đó đưa ra góp ý của bản thân với mong muốn bảo tồn và phát triển lễ hội của quê hương ngày càng phát triển đặc sắc, ấn tượng, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

 

  1. Mục tiêu đề tài

            Đề tài công tác quản lý, tổ chức tại Lễ Hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam nằm phân tích thực trạng hiện tại của công tác quản lý đồng thời nêu lên góp ý đánh giá của bản thân về việc thay đổi, phát triển công tác quản lý, tổ chức theo hướng tích cực hơn

  1. Đối tượng và Phạm vi nghiên cứu

            Công tác quản lý, tổ chức tại Lễ Hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang. Phạm vi nghiên cứu bao gồm các hoạt động tổ chức trước, trong và sau khi lễ hội diễn ra liên quan đến công tác tổ chức, quản lý dịch vụ, lưu trú, ăn uống, vận tải, truyền thông…

  1. Đóng góp của đề tài

            Tổng hợp lại thực trạng công tác quản lý, tổ chức Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam và đưa ra góp ý của bản thân nhằm nâng cao năng lực quản lý và tổ chức, để lễ hội ngày càng phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, ngày càng hoàn thiện hơn.

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ, TỔ CHỨC TẠI LỂ HỘI VÍA BÀ CHÚA XỨ NÚI SAM, TP. CHÂU ĐỐC, TỈNH AN GIANG

1.1 Khái niệm lễ hội

Theo từ điển Bách khoa Việt Nam (2005): “Lễ là hệ thống các hành vi, động tác nhằm biểu hiện lòng tôn kính của con người đối với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện. Hội là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống, từ sự tồn tại và phát triển của cộng đồng, sự bình yên cho từng cá nhân, hạnh phúc cho từng gia đình, sự vững mạnh cho từng dòng họ, sự sinh sôi nảy nở cho gia súc, sự bội thu của mùa màng mà từ bao đời nay quy tụ niềm mơ ước chung vào bốn chữ: “Nhân khang, vật thịnh”. Lễ hội là hoạt động của một tập thể người, liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo. Do nhận thức, người xưa rất tin vào trời đất, sông núi, vì thế ở các làng, xã thường có miếu thờ thiên thần, thổ thần, thủy thần, sơn thần, lễ hội cổ truyền đã phản ánh hiện tượng đó. Tôn giáo có ảnh hưởng đáng kể đối với lễ hội, tôn giáo thông qua lễ hội làm phương tiện phô trương thanh thế, ngược lại lễ hội thông qua tôn giáo để thần linh hóa những gì trần tục

1.2 Khái niệm quản lý

Trong cuốn “Khoa học Tổ chức và Quản lý”, tác giả Đặng Quốc Bảo quan niệm: “Quản lý là một quá trình lập kế hoạch, tổ chức, hướng dẫn và kiểm tra những nỗ lực của các thành viên trong một tổ chức và sử dụng các nguồn lực của tổ chức để đạt được những mục tiêu cụ thể”.

CHƯƠNG 2: THỰC TIỄN CÔNG TÁC QUẢN LÝ, TỔ CHỨC TẠI LỄ HỘI VÍA BÀ CHÚA XỨ NÚI SAM, TP. CHÂU ĐỐC, TỈNH AN GIANG

2.1 Khái quát về Lễ Hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam

2.1.1 Vị trí địa lý

            Lễ Hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được tổ chức ở Miếu Bà Núi Sam thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, Việt Nam. Bên cạnh đó là Chùa Tây An, Lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Phước Điền là những hạng mục trong Khu di tích lich sử - Văn hóa Núi Sam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là Di tích cấp Quốc gia.

2.1.2 Quá trình hình thành và phát triển

Truyền thuyết kể rằng, cách đây hơn 200 năm, núi Sam còn hoang vu, dân làng lên núi phát hiện pho tượng cổ ngồi trên bệ đá sa thạch. Trong thời gian đó, quân Xiêm thường xuyên quấy nhiễu nước ta, có lần chúng lên đỉnh núi Sam thì gặp pho tượng cổ này. Dù nhiều lần ra sức khiêng tượng xuống núi nhưng cố gắng thế nào cũng không thể di chuyển tượng được nên phải bỏ lại. Dân làng thấy vậy nên có ý muốn “thỉnh” tượng xuống núi để gìn giữ và phụng thờ. Bao nhiêu tráng đinh lực điền được huy động nhưng không sao nhấc pho tượng lên được.

Các bô lão trong làng cầu khấn thì có một bé gái đang đùa giỡn bỗng dưng ngồi lại, mặt đỏ bừng, đầu lắc lư mách bảo: “Hãy chọn 9 cô gái đồng trinh để đưa bà xuống núi”. Lạ thay, 9 cô gái khiêng tượng bà đi một cách nhẹ nhàng. Xuống đến chân núi, tượng bỗng nặng trịch, không nhấc lên nổi. Dân làng hiểu rằng bà muốn ngự nơi đây nên đã lập miếu thờ.

Ban đầu, miếu bà được xây dựng đơn sơ bằng tre lá, sau nhiều lần trùng tu, miếu bà mới được hoàn chỉnh và khang trang như hiện nay. Hàng năm, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam thu hút hàng triệu lượt du khách ở khắp nơi trong và ngoài nước đến để tham quan, chiêm bái.

Lễ hội chính diễn ra trong 2 ngày, từ 22 - 23.4 âm lịch, tại miếu Bà Chúa Xứ núi Sam (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc). Lễ hội gồm có lễ phục dụng rước tượng Bà từ trên đỉnh núi, lễ tắm Bà, các lễ thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu, lễ Túc yết, và Xây chầu, lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc sẽ tuần tự diễn ra vào những ngày tiếp theo và kết thúc vào chiều 31.5 (nhằm ngày 27.4 âm lịch). Về phần hội, UBND TP. Châu Đốc sẽ tổ chức tuần lễ văn hóa trên khắp các sân khấu của thành phố, nhằm phục vụ du khách và người dân với các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, mang đậm nét văn hóa của 4 dân tộc Kinh - Chăm - Hoa - Khmer. Song song đó, sẽ có các trò chơi dân gian tổ chức tại phố đi bộ núi Sam, như kéo co, đẩy gậy, thả diều nghệ thuật, trò chơi vận động liên hoàn, cờ tướng, hội thi chim hót, chọi gà, gà đẹp, cờ người… hứa hẹn là điểm đến lý tưởng cho du khách và người dân địa phương.

2.2 Thực tiễn công tác quản lý, tổ chức tại Lễ Hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam

2.2.1 Quản lý nguồn tài chính

Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang trực tiếp quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam; có chức năng phục vụ quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực văn hóa, du lịch trong Khu du lịch quốc gia Núi Sam theo Quyết định số 2098/QĐ-TTg ngày 27/12/2017 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang có tư cách pháp nhân, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo của ban quản trị lăng miếu núi Sam, lễ hội Vía Bà hằng năm có hàng triệu khách hành hương đến lễ bái, gần đây tổng số tiền công đức bá tánh cúng dường khoảng 70 tỉ đồng/năm. Phần lớn nguồn thu này đều dành cho trùng tu, tôn tạo thêm các di tích, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội ở địa phương. “Tiền công đức năm nào sử dụng hết năm đó. Chỉ tính sáu năm nay chúng tôi đã chi 300 tỉ đồng đầu tư các công trình phúc lợi, hơn 30 tỉ đồng cho công tác xã hội từ thiện”. Hiện miếu Bà đặt sáu hòm công đức để du khách đóng góp, định kỳ ban quản trị cho mở hòm trước sự chứng kiến giám sát của hội đồng gồm hội quý tế, phòng tài chính thị xã. Tiền được kiểm tra chặt chẽ, có lập biên bản, niêm phong. “Tất cả các khoản tiền và vàng đều gửi vào ngân hàng, lãi cũng nhập vào đó, khi cần sử dụng thì chuyển khoản” - ông Phan Văn Trắng, trưởng Ban quản trị lăng miến nói. Ngoài ra gạo muối, vật cúng tế, nhang đèn sử dụng không hết thì cấp phát cho nhiều đình chùa. Mỗi đợt tết, ban quản trị hỗ trợ dân nghèo hàng chục tấn gạo cùng nhiều loại thực phẩm khác.

2.2.2 Quản lý nguồn nhân lực tham gia

Ban quản trị Lăng Miếu Núi Sam, Ban quý tế, bô lão, các cơ quan chuyên môn, một số diễn viên tham gia, nữ sinh tham gia rước kiệu, thanh niên khiên kiệu, Công an giao thông giúp giải tỏa tuyến đường rước kiệu, lực lượng dân quân tự vệ, cảnh sát cơ động, PCCC (phòng cháy chữa cháy, dàn chiêng trống,…

2.2.3 Quản lý các dịch vụ lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, an toàn cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm

Hầu hết cơ sở kinh doanh ăn uống quanh khu vực núi Sam, nơi tập trung khách hành hương, đều tuân thủ các quy định cơ bản về an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2016 - 2017, TP. Châu Đốc có hẳn một đề án về phát triển chợ, siêu thị, trung tâm thương mại văn minh, lịch sự và lành mạnh. Vì thế, việc mua bán tại các điểm chợ cũng tiến bộ hơn trước, ít gây phiền hà cho du khách.  Để ngăn ngừa các đối tượng quá khích sử dụng hung khí, chất cháy, chất nổ phá hoại tràn vào khu vực trung tâm chính điện Miếu Bà hoặc các khu vực lân cận, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh An Giang đã được điều động, tổ chức túc trực tại khu vực sân lễ…

Bên cạnh đó, Ban Quản trị cũng đã cho lắp đặt trên 60 camera an ninh ở quanh khu vực miếu Bà để góp phần đảm bảo ANTT (an ninh trật tự) trên địa bàn,...

2.2.4 Quản lý hoạt động quảng bá, văn hóa thông tin

            Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trên Cổng thông tin điện tử của thành phố, Website: dulichthongminhnuisam.vn, cổng thông tin du lịch thông minh và quản lý lưu trú trực tuyến checkinangiang.vn, qua báo chí, phát thanh truyền hình của trung ương, khu vực và của tỉnh. Tổ chức họp mặt báo giới, cung cấp chuỗi các sự kiện văn hóa, lễ hội,… góp phần định hướng và thu hút nhân dân, du khách đến với vùng đất giàu bản sắc văn hóa, có nhiều địa linh nhân kiệt từ thời mở cõi cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển, hội nhập quốc tế.

2.2.5 Quản lý bãi xe và phương tiện lưu thông

            Nhằm đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự, Công an tỉnh An Giang, Công an TP. Châu Đốc đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan lập nhiều chốt chặn trên suốt tuyến đường kiệu Bà đi qua, đồng thời tăng cường tuần tra kiểm soát trong thời gian diễn ra lễ hội. Trên đoạn đường di kiệu hơn 5km, từ bệ đá Bà ngự trên đỉnh Núi Sam đến điểm kết thúc tại sân khấu Miếu Bà, Công an TP. Châu Đốc phối hợp với lực lượng tại chỗ tổ chức bố trí, lập nhiều chốt chặn, phân công CBCS (cán bộ cảnh sát) túc trực, phân luồng, điều tiết giao thông.

2.2.6 Quản lý vệ sinh môi trường

            Tình hình vệ sinh môi trường và vệ sinh thực phẩm có chiều hướng xấu. Tuy trong khu vực Miếu Bà đã được thường xuyên thu nhặt rác nhưng phía ngoài, rác từ các hàng quán và của khách hành hương còn rơi vãi nhiều 2 bên đường giao thông đoạn vào Miếu Bà. Thức ăn trong các hàng quán ăn hai bên đường không được đậy kín, dễ bị nhiễm bẩn có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của du khách.

CHƯƠNG 3:  GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ, TỔ CHỨC LỄ HỘI VÍA BÀ CHÚA XỨ NÚI SAM, TP. CHÂU ĐỐC, TỈNH AN GIANG

3.1 Đào tạo cán bộ quản lý, nhân sự tổ chức

            Thành lập đội trật tự chuyên nghiệp phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự, có thẩm quyền xử phạt.

3.2 Nâng cao chất lượng dịch vụ

            Sắp xếp, bố trí các khu vực mua bán, khu vực tổ chức các dịch vụ phục vụ khách đi Vía Bà hợp lý. Bố trí tuyến đi tham quan của người dự hội có sự liên kết giữa nhu cầu của khách dự hội theo trình tự: nơi gửi xe – nơi mua đồ cúng Bà – đường vào thắp hương cúng Bà - khu vực tham quan - nơi mua sản phẩm du lịch - khu ẩm thực - khu vui chơi giải trí...

Đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn cháy nổ.

3.3 Xã hội hóa quản lý lễ hội

            Thực hiện chiến dịch tuyên truyền, thông tin về các hình thức xử phạt kèm theo đã được ban hành. Song song đó, tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân và tất cả các hộ tiểu thương tại khu du lịch về công tác lập lại ANTT, cải thiện môi trường du lịch; tạo sự chuyển biến trong nhận thức bảo tồn, phát huy khu du lịch của địa phương và nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành quy định pháp luật của người dân.

3.4 Phát triển du lịch

Nâng cấp các khu điểm du lịch, các sự kiện du lịch lân cận thị xã Châu Đốc nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Trong đó tập trung vào các điểm như: Khu Lưu niệm Chủ Tịch Tôn Đức Thắng ở TP Long Xuyên; Khu Du lịch làng Chăm, Búng Bình Thiên huyện An Phú; Khu Du lịch Núi Cấm; Rừng Tràm Trà Sư, Khu siêu thị miễn thuế, huyện Tịnh Biên; Khu Du lịch Đồi Tức Dụp huyện Tri Tôn; Khu Di tích Óc Eo, Hồ Ông Thoại Huyện Thoại Sơn.

Đầu tư xây dựng, khai thác Khu Du lịch Miếu Bà Chúa Xứ với các hạng mục hoàn chỉnh, khép kín, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của khách hành hương. Vận động nhân dân đang sinh sống trong khu vực nâng cấp cơ sở dịch vụ theo quy hoạch của nhà nước.

Hình thành khu vực đoạn đường đi bộ vào ban đêm trong tuần lễ trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội. Phạm vi khu vực dưới chân núi Sam, Lăng Ông đến miếu bà. Tổ chức phố ẩm thực, mua bán các đặc sản, trang phục, đồ lưu niệm gắn với nét văn hóa truyền thống của các dân tộc sinh sống trong tỉnh An Giang.


Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng