Lễ hội hoa tam giác mạch tạ Hà Giang

  1. Đôi nét về hoa tam giác mạch

Tên gọi hoa tam giác mạch

Hoa tam giác mạch thuộc họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá có hình tam giác, và thế là cái tên “tam giác mạch” ra đời.

 

Người Mông còn gọi tam giác mạch là “chez”. Sau mùa lúa nương thu hoạch, người dân ở đây bắt đầu gieo hạt tam giác mạch, đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì bắt đầu thu hoạch. Thân tam giác mạch khi còn non có thể dùng để luộc ăn như rau. Ban đầu, tam giác mạch chỉ được sử dụng để làm bánh hoặc trộn với ngô nấu rượu. Kết quả và thành hạt, khi thu hoạch có thể xay tam giác mạch thành bột làm lương thực, hoặc nấu với ngô tạo nên một thứ rượu có hương vị thật đặc biệt.

Sự tích hoa tam giác mạch

Theo nguồn từ trung tâm thông tin du lịch Hà Giang thì truyền thuyết về loài hoa Tam giác mạch được người dân bản địa kể lại rằng: Nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới, hạt gieo xong, mày trấu, mày ngô chẳng biết làm gì, hai nàng bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt, người người lấy hạt về ăn. Cho đến khi hạt ngô, hạt lúa trong nhà đã cạn mà vụ mùa sau vẫn chưa tới, cái đói kéo về u ám bản làng, mọi người mới chia nhau đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Nhiều ngày trôi qua, nhiều nơi đã đến mà vẫn chưa thấy gì có thể làm no cái bụng. Bỗng một hôm, thoảng bay trong gió mùi hương lạ, từ trước đến giờ chưa ai được ngửi. Mọi người lần theo mùi hương ấy đến khe núi và ngỡ ngàng khi thấy một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia. Ăn thử hạt của hoa thấy ngon không kém gì ngô và gạo bèn mang về làm lương thực, khói bếp lại bay lên mỗi chiều. Vì cây họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá lại có hình tam giác, vậy là cái tên “tam giác mạch” ra đời. [14]

  1. Thời gian và địa điểm tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang

Ban đầu, tam giác mạch chỉ được sử dụng để làm bánh hoặc trộn với ngô nấu rượu. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thấy vẻ đẹp của loài hoa này có thể đem lại giá trị cho ngành du lịch, tỉnh Hà Giang đã tuyên truyền, vận động bà con người Mông cùng tham gia trồng hoa tam giác mạch.

 

Đồng thời, Lễ hội hoa Tam giác mạch cũng được tổ chức hằng năm để thu hút du khách trong giai đoạn tháng 10 tới tháng 12. Những năm gần đây hoa tam giác mạch đã trở thành điểm nhấn, thu hút đông đảo du khách đến Hà Giang để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi rừng, của hoa tam giác mạch trên Cao nguyên đá, mở ra cho tỉnh hướng đi mới xây dựng sản phẩm du lịch “hoa tam giác mạch”.

Địa bàn tổ chức diễn ra tại vùng cao nguyên đá Đồng Văn thuộc địa bàn 4 huyện Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh và Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang).

  1. Đối tượng tham gia trong lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang

Tham dự buổi lễ có đông đảo đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Quân khu II, đại diện một số Đại sứ quán, đoàn Ngoại giao,…và cùng đông đảo du khách trong và ngoài nước.

  1. Công tác chuẩn bị cho lễ hội tam giác mạch Hà Giang

Huyện Đồng Văn đã xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các xã vùng trọng điểm như: Vần Chải, Sủng Là, Má Lé, Lũng Táo, Lũng Cú, Phố Cáo, Sà Phìn, Thài Phìn Tủng, Phố Là, thị trấn Đồng Văn rà soát diện tích đất, chọn địa điểm trồng 250 ha hoa tam giác mạch. Huyện chỉ đạo trồng tam giác mạch làm 3 đợt, mỗi đợt cách nhau từ 20 - 30 ngày.

 

 

Đối với nội dung thêu dệt trang phục truyền thống, Hợp tác xã Lanh trắng xã Sà Phìn phân công thành viên thực hiện các công đoạn se sợi, dệt vải, thêu tay truyền thống, kỹ thuật vẽ hoa văn, nhuộm lanh, may ghép các tà áo. Các nghệ nhân chuẩn bị đầy đủ vật liệu làm khèn và thực hiện công đoạn chế tác, lắp ghép ống, bầu khèn và trang trí thành những cây khèn hoàn chỉnh để khách du lịch tham quan, trải nghiệm.

Đặc biệt, tại các xã Lũng Cú, Má Lé, Sủng Là, huyện chỉ đạo tổ chức tái hiện lại Lễ hội cúng Tổ tiên của dân tộc Lô Lô, giới thiệu và xem trình diễn thêu giầy, may trang phục dân tộc Lô Lô, Giáy; giao lưu văn nghệ và các trò chơi dân gian như múa khèn, thổi sáo, hát dân ca Mông; ẩm thực địa phương truyền thống với công đoạn làm mèn mén, thịt hun khói, tẩu chúa, nấu rượu, làm bánh ngô...

Bên cạnh đó, huyện quan tâm, chỉ đạo lực lượng công an, Phòng Kinh tế -  Hạ tầng, Văn hóa, Đội trật tự đô thị thị có phương án, tăng cường kiểm tra nhắc nhở người dân không lấn chiếm hành lang, vỉa hè, chấn chỉnh việc dừng, đỗ xe, rà soát bổ sung các biển báo, chỉ dẫn giao thông; dọn dẹp vệ sinh, bàn giao mặt bằng khu vực phố cổ, sân vận động và một số địa điểm cho đơn vị tổ chức sự kiện.

Các đơn vị chức năng khác như quản lý thị trường, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả các mặt hàng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. [12]

  1. Các hoạt động trong lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang

Lễ hội hoa Tam giác mạch được tổ chức nhằm xây dựng thương hiệu Lễ hội “hoa trên đá” với nét văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, độc đáo riêng có của Hà Giang. Đồng thời, bảo đảm thể hiện, phản ánh những nét độc đáo của cao nguyên đá "hồn của đá" và những nét văn hóa, tín ngưỡng truyền thống đặc sắc của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Lễ hội hoa tam giác mạc ở Hà Giang được khai thác tổ chức từ năm 2015, mỗi năm đều có tổ chức. Sau đây tôi xin tóm lượt nội dung của lễ hội qua từng năm.

Chương trình khai mạc lễ hội mang chủ đề “Cao nguyên đá – ngàn hoa khoe sắc” với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc tái hiện lại truyền thuyết về sự hình thành loài hoa tam giác mạch.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn cũng sẽ được tổ chức trong khuôn khổ lễ hội như: đêm hội rượu hoa tam giác mạch với chủ đề “Men tình cao nguyên đá”; không gian trưng bày hoa và các sản phẩm từ hoa tam giác mạch; thi triển lãm ảnh đẹp về hoa tam giác mạch với chủ đề “Hoang sơ xứ sở hoa tam giác mạch”…[12]

Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm các sản phẩm từ hoa tam giác mạch: Trình diễn giới thiệu quy trình sản xuất rượu và bánh làm từ Tam giác mạch; trưng bày giới thiệu và thưởng thức các sản phẩm từ hoa Tam giác mạch; trưng bày giới thiệu và thưởng thức đặc sản rượu Tam giác mạch kết hợp giao lưu trình diễn văn - nghệ dân gian với chủ đề “Tâm hồn của đá”; triển lãm ảnh với chủ đề “Đá nở Hoa” (điểm nhấn là ảnh đẹp về hoa Tam giác mạch). Bên cạnh đó, tại lễ hội còn tổ chức trưng bày các sản phẩm văn hóa, nông nghiệp, du lịch các huyện, thành phố trong tỉnh.

Đặc biệt, Lễ hội đường phố trình diễn âm nhạc dân gian và sắc màu trang phục các dân tộc Hà Giang với chủ đề “Huyền thoại hoa Tam giác mạch”, như: Diễu hành các mô hình xe, các khối trình diễn văn hóa dân tộc; trình diễn hòa tấu âm nhạc dân gian các dân tộc Hà Giang của các nghệ nhân; giao lưu với du khách; trình diễn và giới thiệu một số bộ trang phục đặc sắc các dân tộc Hà Giang; trình diễn rối cạn, xiếc, hình nộm vui nhộn, hoạt náo… hy vọng sẽ để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách.

Năm 2018, Ban tổ chức cũng đã công bố và trao giải Nhất cho thí sinh Lương Huyền Trang đến từ huyện Vị Xuyên trong cuộc thi Lựa chọn gương mặt đại diện thương hiệu hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang năm 2018, trao giải nhất Cuộc thi sáng tác Logo, Slogan Du lịch Hà Giang cho anh Trần Công Đạo đến từ Đà Nẵng. [6]

Bên cạnh đó năm 2020, còn có một số giải đấu và hội thi là giải quần vợt "Cúp Cao nguyên đá Hà Giang mở rộng lần thứ III"; Giải đua thuyền kayak tổ chức tại huyện Quản Bạ; Giải chạy việt dã chinh phục Vách đá thần Mã Pì Lèng; Giải đua thuyền chinh phục hẻm Tu Sản, Mã Pì Lèng; Hội thi làm bánh Tam giác mạch,... [9]

  1. Thực trạng khai thác lễ hội hoa tam giác mạch

6.1.  Về cở sở vật chất và cơ sở hạ tầng

Còn gần nửa tháng nữa mới diễn ra Lễ hội hoa tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ nhất được tổ chức tại Phố cổ thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn), lượng khách du lịch đến với 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn tăng đột biến. Tất cả các khách sạn, nhà nghỉ và dịch vụ ngủ bình dân tại các gia đình ở 2 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc đều trong tình trạng quá tải, không đáp ứng đủ nhu cầu của khách du lịch.

Khách sạn Hoa Cương ở huyện Đồng Văn được đánh giá là một trong những khách sạn lớn đẹp nhất Cao nguyên đá Đồng Văn với quy mô 9 tầng, 82 phòng ngủ, song lượng khách đặt kín hết từ nhiều ngày qua. Trên 100 nhà nghỉ bình dân của huyện Đồng Văn vào các ngày thứ 6, thứ 7 và chủ nhật hiện đều đã có khách đặt trước.

Các quán ăn đều trong tình trạng quá tải, các điểm du lịch như Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, nhà Vương, Mã Pì Lèng mỗi ngày thu hút trên 1.000 lượt khách tham quan.

Lượng khách du lịch đến với Cao nguyên đá Đồng Văn quá đông dẫn đến tình trạng quá tải các phương tiện xe khách. Hiện trên địa bàn thành phố Hà Giang có khoảng hơn 10 địa điểm cho thuê xe máy, song với lượng khách đông đột biến nên các điểm cũng không đáp ứng hết nhu cầu của du khách. [12]

6.2.  Về tổ chức quản lý

Hoạt động của lễ hội ngày một có sự đa dạng và đổi mới, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách và tạo nên sự khác biệt cho mỗi năm diễn ra lễ hội.

Đối với chương trình khai mạc thì chương trình biểu diễn ngắn gọn và xúc tích, tập trung vào việc quảng bá xây dựng sản phẩm du lịch hoa Tam giác mạch Hà Giang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Trong thời gian diễn ra lễ hội đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và lực lượng an ninh các huyện, thành phố trực tại các điểm nút giao thông, phân luồng xe đảm bảo không bị ùn tắc và tuyệt đối an toàn giao thông trên các tuyến đường đến địa điểm tổ chức các sự kiện của lễ hội.

Công tác vệ sinh môi trường được đảm bảo sạch sẽ, dọn dẹp vệ sinh tại nơi diễn ra lễ hội, không để tình trạng mất điện và thiếu nguồn nước.

Vấn đề an ninh trật tự kiểm soát khá ổn, hạn chế cướp giựt và đánh nhau tại nơi diễn ra lễ hội. Tình trạng ăn xin và chèo kéo khách du lịch vẫn còn, buôn bán thì vẫn tràn lan chưa có sự đồng nhất về mức giá. [1]

6.3. Về xúc tiến và quảng bá lễ hội

Sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cũng gửi thông báo đến các Sở của các tỉnh khác nhờ sự hỗ trợ công tác quảng bá. Vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị quan tâm chỉa sẻ, đăng tải các bài viết về lễ hội.

Trước sự kiện lễ hội diễn ra, nhiều báo, đài trong cả nước đã đưa tin, phát sóng giới thiệu, quảng bá hình ảnh Hà Giang tới bạn bè trong nước và quốc tế. Trong đó, đặc biệt là nhiều chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam đã thông tin, tuyên truyền về lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang.

Để tăng cường quảng bá hình ảnh Hà Giang, lan tỏa giá trị di sản, tỉnh Hà Giang tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế VITM 2020 (diễn ra từ 18 - 20/11) tại Cung Hữu Nghị Việt – Xô. Hà Giang đăng ký 2 gian hàng thiết kế ấn tượng nổi bật hình ảnh giá trị di sản Ruộng bậc thang; hình ảnh đặc trưng của cao nguyên đá Đồng Văn để giới thiệu các chương trình du lịch; cung cấp thông tin, tư vấn dịch vụ du lịch tại chỗ. Đặc biệt, tư vấn cung cấp thông tin các hoạt động diễn ra tại Lễ hội hoa Tam giác mạch năm 2020.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch tổ chức “Không gian Văn hóa, Du lịch và Thương mại tỉnh Hà Giang” tại Hà Nội (dự kiến trong tháng 12/2020), nhằm giới thiệu sản phẩm OCOP, bản sắc văn hóa và những sản phẩm du lịch đặc trưng nhất của Cao nguyên đá Hà Giang đến với người dân thủ đô và cả nước; qua đó, mở cơ hội để các doanh nghiệp, đơn vị tăng cường giao lưu kết nối, mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng như đưa các dịch vụ du lịch tiếp cận du khách tiềm năng. [11]

7. Hiệu quả của lễ hội hoa tam giác mạch trong du lịch

Lễ hội Hoa Tam giác mạch nhằm tôn vinh giá trị di sản và sức sống mãnh liệt của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá Đồng Văn, cũng như khẳng định thương hiệu du lịch của tỉnh Hà Giang gắn với loài hoa Tam giác mạch. Đồng thời giới thiệu tới các đại biểu và du khách những sản phẩm đặc trưng, giá trị văn hóa đặc sắc, di sản địa chất độc đáo, môi trường, cảnh quan, sinh thái tự nhiên gắn với Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.

Theo tạp chí du lịch thống kê, Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ 2 năm 2016 đã thu hút trên 120.000 du khách tham quan, trải nghiệm, khám phá Hà Giang. [3]

Được biết, từ ngày 10 đến 16.10/2016, huyện Đồng Văn đã thu hút gần 22.000 lượt khách du lịch, trong đó 1.489 đoàn khách nội địa, 57 đoàn khách quốc tế đã đến tham quan các điểm du lịch như Di tích Nhà Vương, Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm…[4]

Những năm qua, du lịch Hà Giang có sự phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2010 đến nay, tỉ lệ du khách tăng và doanh thu hàng năm đều đạt trên 10%/năm. Năm 2018, lượng khách du lịch đến với Hà Giang đạt trên 1,13 triệu lượt, năm 2019 ước chạm mốc 1,3 triệu lượt khách. Hà Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 thu hút trên 2,5 triệu lượt khách/năm, trong đó 25% là khách quốc tế. Tăng trưởng hàng năm đạt 15 – 20%. [7]

Trong 9 tháng đầu năm 2019, lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt 948.470 lượt, tăng 2,56% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó khách quốc tế là 118.735 lượt, khách nội địa là 829.735 lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 1.004 tỷ đồng. [8]

Trong khuôn khổ chương trình, hưởng ứng chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo của tỉnh, Tập đoàn T&T đã trao tặng cho tỉnh 1.000 căn nhà trị giá 60 tỉ đồng; tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ 500 triệu đồng; Công ty cổ phần Seven home (7 Home) hỗ trợ 60 triệu đồng, Khu nghỉ dưỡng P’apiu tại xã Yên Định, huyện Bắc Mê hỗ trợ 120 triệu đồng cho huyện Bắc Mê, Mèo Vạc, Đồng Văn xây dựng nhà ở. 

Công ty cổ phần Bellsystem24 trao tặng kinh phí hỗ trợ tỉnh xây dựng Tổng đài tư vấn du lịch Hà Giang. [13]

PHẦN KẾT LUẬN

Tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần khẳng định thương hiệu và sức hút từ du lịch gắn với loài hoa đặc trưng tam giác mạch. Điểm nhấn của chương trình lễ hội năm nay chính là việc sử dụng chính các đặc trưng du lịch Hà Giang trong các tiết mục nghệ thuật, từ đó truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống.

Lễ hội Hoa Tam giác mạch ở Hà Giang đã mang đến khán giả không khí một lễ hội du lịch đích thực với sự kết hợp của âm nhạc và các hoạt động trải nghiệm, quảng bá, giới thiệu sản vật địa phương và các đặc trưng văn hoá riêng có của các dân tộc tiêu biểu tại Hà Giang.

Để Lễ hội hoa Tam giác mạch tiếp tục hoàn thiện, cần mời một số đội ngũ nhà nghiên cứu phối kết hợp với Sở văn hóa thể thao và du lịch nghiên cứu xác định việc  tổ chức các hoạt động mang tính chiến lược. Các chương trình phải mang hàm lượng văn hóa cao, bảo đảm  mục tiêu chính là góp phần tạo nên thương hiệu du lịch Hà Giang. Trong đó, ưu tiên các chương trình nhằm phát huy bối cảnh của không gian văn hóavà cảnh quan, tạo nét độc đáo riêng của Hà Giang, tìm kiếm thêm các nhà tài trợ đầu tư, huy động kêu gọi nhân dân địa phương tham gia đưa ra ý tưởng mới. [1]

Để đẩy mạnh lễ hội hoa tam giác mạch tại Hà Giang thì cần thực hiện các giải pháp sau:

Về giải pháp nâng cao tổ chức quản lý

  • Đối với chính quyền địa phương: cần phải thường xuyên, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội. Khuyến khích đồng bào các dân tộc  tự quản, tổ chức lễ hội  truyền thống mang bản sắc văn hóa riêng với quy mô theo từng bản làng.
  • Đối với ban quản lý lễ hội: Ban quản lý cần có phương án tổ chức quản lý tốt để quản lý các nguồn nhân lực lễ hội. Đối  với  nguồn tài chính được cung cấp tổ chức cho lễ hội,ban  tổchức nên thống kê rõ ràng các khoản chi trong lễ hội, tránh tình trạng lãng phí, thất thoát.

Về giải pháp phát triển du lịch lễ hội

  • Quy hoạch không gian tổ chức du lịch: kết nối các điểm tham quan có trong lịch trình tham quan của khách tại Hà Giang để du khách hài lòng về lễ hội và chuyến đi.
  • Đào tạo nâng cao tay nghề để phục vụ du lịch, do du lịch mới phát triển gần đây tại Hà Giang nên cần tập huấn và đào tạo cho người cung cấp dịch vu du lịch và người bản địa biết cách phục vụ khách du lịch theo hướng chuyên nghiệp nhất.
  • Đa dạng hóa các sản phẩm trong lễ hội, tránh sự nhàm chán cho du khách, nếu không có điểm nhấn và mới lạ thì khách chỉ đến một lần và không tiếp tục nữa. Cơ bản các hoạt động của lễ hội đã có sự thay đổi và mới lạ từ năm 2015 cho đến năm 2020.

Thông qua việc đánh giá Lễ hội hoa Tam giác mạch sau 6 lần tổ chức, đề tài đã chỉ ra được  những bất cập và trước mắt cố gắngđề xuất một số giải pháp có tính khả thi nhất định. Hy vọng rằng trong tương lai gần, Lễ hội hoa Tam giác mạch sẽ thực sự trở thành thương hiệu độc đáo của du lịch Hà Giang.


Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng