LỄ HỘI ĐÌNH THẦN THẮNG TAM TẠI VŨNG TÀU

DẪN NHẬP:

    Nhắc đến Thành phố Vũng Tàu, ắt hẳn người ta nghĩ ngay đến phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp được tạo hoá ban tặng với những bãi biển được mang những cái tên hết sức mĩ miều: Bãi Tầm Dương (Bãi Trước), Bãi Hương Phong (Bãi Dứa), Bãi Thuỳ Vân (Bãi Sau), Bãi Phương Thảo (Bãi Dâu). Địa hình chủ yếu ở Thành phố Vũng Tàu gắn liền với hình ảnh biển, cho nên cũng thật dễ hiểu khi một trong những nền kinh tế chủ đạo, mũi nhọn của nơi đây bên cạnh hoạt động du lịch chính là ngành đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản. Đối với những người ngư phủ, điều mà họ mong mỏi nhất đó chính là những mẻ lưới trĩu nặng cá tôm, ra khơi được “thuận buồm xuôi gió”. Nhằm tỏ lòng thành kính, biết ơn của mình đối với cá Ông – vị cứu tinh theo quan niệm của những người dân làm nghề đánh cá sẽ luôn bảo vệ, che chở cho họ vượt qua mọi khó khăn,  nguy hiểm trong lúc ra biển và cả những người làm nghề biển nói chung nên mỗi năm vào ngày 17 đến 20 tháng 2 Âm lịch, tại Đình Thần Thắng Tam sẽ diễn ra Lễ hội Đình Thần Thắng Tam – một trong 15 lễ hội lớn nhất nước ta.

 

 

    Trước khi bàn bạc, phân tích, đề xuất giải pháp về vấn đề làm sao có thể quản lí lễ hội nơi đây một cách tốt nhất? Làm sao để lễ hội Đình Thần Thắng Tam được tổ chức một cách bài bản, qui củ đồng thời giữ gìn được những giá trị truyền thống, văn hoá tâm lí một cách tốt nhất trong bối cảnh xã hội hiện nay thì thiết nghĩ chúng ta cần điểm qua đôi nét về địa điểm, kiến trúc và các vị thần được thờ nơi đây để mọi người một cái nhìn tổng quan nhất.

NỘI DUNG:

*Nội dung chính được đề cập trong bài tiểu luận này sẽ đề cập đến các nội dung:

1. Địa điểm và đôi nét tiêu biểu

2. Các kì lễ hội và thời gian tổ chức

3. Cách thức tổ chức và sự thu hút của người dân

4. Cách lưu giữ, quản lí và phát triển lễ hội

    -Về địa điểm và đôi nét tiêu biểu: Cụm quần thể Đình Thần Thắng Tam được toạ lạc tại địa chỉ 77, đường Hoàng Hoa Thám, Phường Thắng Tam, Thành phố Vũng Tàu. Sở dĩ, người ta dùng cụm từ “quần thể” bởi nơi đây bao gồm 3 khu di tích chính: Đình Thần Thắng Tam, miếu Bà Ngũ Hành và lăng ông Nam Hải. 3 khu di tích này được xây dựng vào 3 thời điểm khác nhau và để thờ những đối tượng khác nhau. Đầu tiên phải kể đến khu di tích Đình Thần Thắng Tam. Nơi đây được xây dựng từ thời Vua Minh Mạng – là nơi thờ chung ba người đã có công xây dựng nên 3 làng ở Vũng Tàu ngày nay. Đó là các vị: Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc, Ngô Văn Huyền. Đình có kiến trúc theo lối nối tiếp gồm 4 ngôi nhà nối liền nhau bằng một lối đi bên hông, đó là Tiền Hiền – Hội trường - Đình Trung – Sân khấu võ ca. Trong đình bày trí nhiều đồ lễ được chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Nhà Tiền Hiền bày 4 bàn thờ: bàn thờ Thổ công, Tiền Hiền, Hậu Hiền và Tiền Vãng – Hậu Vãng. Hội trường là nơi sinh hoạt của các hội viên. Đình Trung bày 10 bàn thờ: Thờ Thần Nông, Thiên Y A Na, Ngũ Đức, Thánh Phi, Hậu Hiền, Hội Đồng, Phụ Án – Cao Các, Thiên Sư, Ngũ Thơ và Ngũ Tự - Tiền Hiền. Sân khấu võ ca là nơi dùng để diễn tuồng, hát bội khi có lễ, thu hút rất đông người dân địa phương đến xem, thưởng thức.

    Phía bên tay trái của cổng khu quần thể này là Miếu Bà Ngũ Hành, được xây dựng vào cuối thế kỉ XIX, thờ 5 Bà Nữ Thần Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ và thờ thêm 2 vị hộ quốc. Trong Miếu Bà Ngũ Hành có 8 bàn thờ: giữa chính điện là thờ 5 Bà Ngũ Hành và hai vĩ Thượng Đẳng Thần; hai bên là bàn thờ 5 cô và 5 cậu; bên trái thờ Quan Công, Quan Bình và Châu Xương – họ là những bậc trung nghĩa sẵn sàng cứu hộ những người đi biển gặp chuyện không may; bên phải là bàn thờ Ông Địa – Thổ Công; phía sau là bàn thờ Tiền Hiền và những người giàu lòng nhân ái, độ lượng trong làng.

    Nằm bên phải của Đình Thần là lăng ông Nam Hải, được xây cất cùng thời điểm với Miếu Bà Ngũ Hành. Trong lăng có một phần bộ xương của Cá Ông khổng lồ dài hơn 18 mét do ngư dân Vũng Tàu trục vớt cách đây rất lâu. Ngoài ra, hai bên còn có 2 bàn thờ của Thần rùa và Tổ Nhạc.

    Khu quần thể này được Bộ Văn hoá và Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia vào năm 1991. Nơi đây còn lưu giữ 12 sắc phong của Vua Thiệu Trị và Vua Tự Đức.

    -Về lễ hội: Hằng năm, tại Đình Thần Thắng Tam diễn ra 3 lễ hội: Lễ Cầu An (diễn ra từ ngày 17 đến 20 tháng 2 Âm lịch), Lễ Nghinh Ông (diễn ra trong 3 ngày 16, 17, 18 tháng 8 Âm lịch), Lễ Nghinh Bà Ngũ Hành (diễn ra trong 3 ngày 16, 17, 18 tháng 10 Âm lịch).

    -Cách tổ chức lễ hội và sự thu hút người dân qua các kì lễ hội:

 

+ Lễ Kỳ Yên (Lễ Cầu An) được tổ chức nhằm mục đích cầu an, mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà. Ở phần lễ , lần lượt diễn ra các hoạt động: nghi thức cúng giỗ Tiền Hiền và các Anh hùng liệt sĩ, thỉnh Sắc Thần vào ngôi chánh điện Đình Thần, Lễ Nghinh Thần, Lễ Xây Chầu Đại Bội. Còn ở phần hội sẽ là đoàn tuồng cổ, các tiết mục múa Lân Sư Rồng biểu diễn.

+ Lễ hội Nghinh Ông: thu hút rất đông người dân không chỉ ở tại địa phương mà còn ở các tỉnh, thành lân cận khác. Về cách tổ chức rất chu đáo và trịnh trọng: Từ sáng sớm ngày 16 Âm lịch thì các vị hương chức, kỳ lão với trang phục truyền thống áo dài, khăn đống đã làm lễ rước kiệu Ông Nam Hải xuống thuyền rồng để ra biển. Trước mũi thuyền có bày hương án và mâm cỗ vật. Cùng với thuyền rồng đi trước sẽ có hàng chục ghe lớn nhỏ trang trí lộng lẫy với cờ hoa rực rỡ chở hàng ngàn người theo. Đoàn ghe thuyền xuất phát từ Bãi Trước đến mũi Nghinh Phong. Điểm đặc biệt là tất cả các ghe đều hướng mũi ra biển để làm lễ cúng biển. Sau khoảng 2 giờ đồng hồ, đám rước quay về bến xuất phát, rồi đi qua các con đường Quang Trung, Hoàng Hoa Thám sau đó về lại Đình Thắng Tam. Đoàn rước đi đến đâu, dàn nhạc cùng tiếng trống, tiếng chiêng vang lên đến đấy, thu hút nhiều người chiêm ngưỡng và cổ vũ. Hai ngày sau, tức là ngày 17 và 18 vẫn diễn ra nhiều nghi lễ liên quan đến Lễ hội Nghinh Ông.

   Người dân làm nghề biển ở Vũng Tàu có câu ca dao nhằm nhắn nhủ với nhau rằng hãy về tham dự:

                           “Tháng tám Lễ hội Nghinh Ông

                        Ai đi đâu đó nhớ mong mà về

                            Về đây cúng lễ cầu ngư

                        Thuyền đầy tôm cá nhà nhà ấm no.”

   Qua câu ca dao có thể thấy rằng những người dân làm nghề biển họ luôn có mong ước trời yên biển lặng, mưa thuận gió hoà để thành công, may mắn trong những chuyến ra khơi. Chính vì thế, họ đã gửi gắm vào đây tất cả niềm tin tưởng, thành kính và dâng lên những lễ vật trang trọng, đủ đầy: từ hoa quả, nhang đèn đến heo quay, … Đặc biệt là các vị nằm trong Ban quản lý di tích văn hoá Đình Thần Thắng Tam, họ đã sắp xếp và có sự chuẩn bị đầy đủ, cụ thể từ các khâu ở phần lễ lẫn phần hội (phần tế lễ: lễ cầu ngư, lễ cúng tế Ông Nam Hải,…; phần hội sẽ gồm các trò chơi dân gian truyền thống, thể hiện các hoạt động lao động, vui chơi giải trí hằng ngày của người dân). Lễ hội Nghinh Ông không chỉ gói gọn trong phạm vi là người dân ở Thành phố biển tham gia mà nó còn vang xa, gây sức hút mạnh mẽ đối với người dân tình khác và cả du khách quốc tế. Cụ thể là có những vị khách du lịch đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, họ đã rất háo hức hoà cùng đoàn người diễu hành về Đình Thần Thắng Tam, thành kính thắp nén nhang cầu mong sức khoẻ và bình an. Ngoài ra, là các du khách nước ngoài có dịp đến làm việc hoặc du lịch tại Thành phố biển Vũng Tàu cũng hoà chung niềm vui đó. Tất cả họ đều xem là một trải nghiệm tuyệt vời và đi sâu vào tìm hiểu thêm về các nghi lễ diễn ra trong Lễ hội Nghinh Ông.

+ Lễ Nghinh Bà Ngũ Hành: Với sự góp mặt của chủ lễ, học trò và đông đảo người dân, lễ Nghinh Bà bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng ngày 16 tháng 10 Âm lịch. Mọi người trong Ban tổ chức chuẩn bị chu đáo: kiệu, bàn thờ với trầu cau, hoa quả, cờ, … Họ sẽ ra miếu Hòn Bà (Bãi Sau) để rước Bà về miếu Ngũ Hành. Mọi người sẽ đi bộ chứ không dùng ghe thuyền để rước như Lễ hội Nghinh Ông diễn ra trước đó. Vì miếu Hòn Bà cách đất lền 50 mét nên mọi người dựa vào lúc thuỷ triều đang xuống thấp để có thể đi ra rước Bà. Đúng 12 giờ trưa, bắt đầu vào lễ, người dân sẽ đánh ba hồi chiêng – trống , 8 học trò và 6 đào thài sẽ bắt đầu thực hiện những nghi thức truyền thống. Sau phần lễ thì sẽ đến phần hát bội. Miếu Bà Ngũ Hành và Lễ Nghinh Bà ngày càng thu hút đông đảo dân địa phương và cả dân ở khắp mọi nơi khi họ muốm tìm hiểu, khám phá thêm những giá trị văn hoá truyền thống, tín ngưỡng dân gian của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng, của đất nước Việt Nam nói chung.

-Về cách lưu giữ, quản lí và phát triển: Có thể thấy ở cả 3 lễ hội lớn trong năm diễn ra tại cụm kiến trúc Đình Thần Thắng Tam, Ban quản lí khu di tích đã làm rất tốt. Điều đó thể hiện qua qui trình tổ chức bài bản, vẫn lưu giữ được các nét văn hoá truyền thống: nghi thức cúng bái, các hoạt động vui chơi (hội). Ngoài ra, người dân luôn mong ngóng, trông chờ đến ngày diễn ra lễ hội. Tất cả xuất phát từ niềm tin, đức tin , lòng thành kính thiêng liêng nên không ai bảo ai thì họ cũng hoàn thành rất tốt. Nhân đây, tôi cũng xin chia sẻ thêm, ngoài việc Ban quản lí giữ vai trò chủ chốt thì người dân cũng hưởng ứng khá nhiệt tình: dâng cúng lễ vật giúp buổi lễ trang trọng, uy nghiêm mà họ còn cung cấp thêm thức ăn, thực phẩm để sau các nghi thức cúng bái, người dân quây quần, tụ họp trò chuyện ăn uống. Chính vì thế, mỗi người mỗi việc, cánh đàn ông làm những công việc nặng học: dựng rạp, treo cờ, dọn dẹp, bày biện bàn thờ, liên hệ các đám rước lễ thì cánh phụ nữ có thể làm những công việc bếp núc, … Thiết nghĩ, sau những bộn bề của cuộc sống thường nhật, nhũng giờ phút diễn ra lễ hội. sẽ giúp họ tìm về các giá trị truyền thống, văn hoá tâm linh mà còn là dịp tình làng nghĩa xóm thắt chặt hơn, là dịp mà mọi người có cơ hội ngồi lại trò chuyện, gặp gỡ nhau. Các lễ hội ở Đình Thần Thắng Tam đã diễn ra từ rất lâu rồi, qua nhiều thế hệ nhưng cho đến nay nó vẫn được bảo tồn và phát triển. Bên cạnh đó, Lễ hội Đình Thần Thắng Tam được sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện từ chính quyền địa phương. Cụ thể là trong những năm gần đây, các lễ hội lớn trong năm của đình được Thành phố Vũng Tàu mở rộng thêm phần hội với các hoạt động văn hoá, thể thao, chương trình nghệ thuật nhằm tạo không khí sôi động , đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần cho nhân dân và phát huy giá trị của lễ hội , đồng thời sẽ thu hút khách du lịch. Qua đó, phát triển kinh tế của địa phương và chung tay giữ gìn, bảo tồn Lễ hội Đình Thần Thắng Tam một cách tốt nhất.

   

                                                       KẾT LUẬN:

 Qua nhũng gì đã phân tích ở trên, tôi tin chắc rằng Lễ hội Đình Thần Thắng Tam đã và luôn luôn được giữ gìn, phát triển tốt cho dù ngày nay giữa cuộc sống bận rộn hoặc chỉ còn một số ít người dân gắn liền với nghề biển (vốn trước đây là lực lượng chính trong việc cúng bái, chọn niềm tin vào Đình Thần Thắng Tam) thì nay lễ hội này đã vươn xa ra phạm vi to lớn, được nhiều người thuộc đủ mọi đối tượng, vùng miền đến tìm hiểu và tham gia.


Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng