LỄ HỘI CHÙA HƯƠNG
- CƠ SỞ LÝ LUẬN
- Khái niệm lễ hội truyền thống
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội thì lễ hội truyền thống được định nghĩa như sau: Lễ hội truyền thống (bao gồm cả lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội dân gian) là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân.
-
- Cấu trúc lễ hội truyền thống:
Cấu trúc của lễ hội truyền thống gồm hai phần là phần “Lễ” và phần “Hội”:
+ “Lễ” trong lễ hội là một hệ thống hành vi, động tác mang tính chất tâm linh nhằm biểu hiện lòng tôn kính, tạ ơn và cầu xin thần linh phù hộ và bảo trợ cho cuộc sống của con người.
+ “Hội” là cuộc vui được tổ chức chung cho đông đảo người tham dự theo phong tục hay nhân dịp đặc biệt đem lại lợi ích tinh thần cho các thành viên trong cộng đồng và có nhiều trò vui.
Lễ và hội là một thể thống nhất không thể chia tách. Hội gắn liền với Lễ và chịu sự quy định nhất định của Lễ
- GIỚI THIỆU TỔNG QUAN
- Khái quát về xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội
Hương Sơn là một xã nằm ở phía Tây Nam huyện Mỹ Đức. Đây là một xã bán sơn địa chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ và vùng núi Tây Bắc. Địa hình xã chia thành 2 khu rõ rệt: một là khu đồng bằng ở phía Bắc – nơi dân cư tập trung sinh sống và hai là khu vực địa hình chủ yếu núi và sông ở phía Tây và Nam – khu vực di tích Chùa Hương.
Xã có vị trí, giới hạn:
+ Phía Bắc giáp với xã Đốc Tín, xã Hùng Tiến và xã An Tiến
+ Phía Tây giáp với xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và xã An Phú
+ Phía Nam giáp với thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam
+ Phía Đông giáp với xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam và xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa.
Hương Sơn gồm một hệ thống di tích thứ tự từ suối Yến vào là: đền Trình, chùa Thiên Trù, động Tiên, đền Giải Oan, đền Cửa Võng, động Hương Tích. Nhánh chùa Tuyết Sơn, chùa Thanh Sơn, Hương Đài, chùa Long Vân, động Hinh Bồng... Các di tích này thuộc quần thể di tích danh thắng Hương Sơn hay dân gian còn gọi là chùa Hương.
Nằm ở vị trí cửa ngõ kinh đô nước Việt trong suốt chiều dài lịch sử đã tạo cho Hương Sơn nét văn hóa truyền thống gắn liền với di tích lịch sử và được mệnh anh là vùng đất “tụ khí anh hoa”
Với lợi thế có khu di tích và danh thắng chùa Hương, xã Hương Sơn phát triển đa dạng có loại hình dịch vụ, kinh doanh phục vụ khách du lịch, trảy hội như: nhà nghỉ, nhà hàng, phục vụ ăn uống, vệ sinh, gửi xe, lái đò, bán đồ nông sản, đồ lưu niệm...
Cụm danh thắng chùa Hương có vai trò lớn trong việc thúc đẩy, phát triển kinh tế của xã, đưa Hương Sơn cùng với Phùng Xá vào nhóm hai xã phát triển nhanh, kinh tế hộ gia đình vững nhất huyện Mỹ Đức.
-
- Lịch sử hình thành và phát triển của Chùa Hương
- Lịch sử Chùa Hương
- Lịch sử hình thành và phát triển của Chùa Hương
Chùa Hương gắn liền với tín ngưỡng dân gian thờ Bà Chúa Ba. Theo truyền thuyết, ở vùng "Linh sơn phúc địa này" đã có công chúa Diệu Thiện, tục gọi là Chúa Ba, ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm đã vào tu hành 9 năm và đắc đạo thành Phật đi cứu độ chúng sinh vào đúng ngày Phật Đản (19 tháng 2 Âm lịch). Mỗi năm đến ngày Phật Đản, người dân mọi nơi lại đến dâng lễ Bà Chúa Ba và cầu an, vừa thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh. Đây cũng là nguồn gốc của lễ hội chùa Hương về sau này.
Khi xưa vua Lê Thánh Tông đi tuần thú qua đây lần thứ 2 vào tháng giêng năm Đinh hợi, niên hiệu Quang thuận thứ 8 (1467) đã đóng quân nghỉ lại ở thung lũng này và cho quân lính thổi cơm ăn, vua xem thiên văn thấy vùng này lâm vào địa phận của sao Thiên Trù, (một sao chủ về sự ăn uống và biến động) nên nhân đấy đặt tên là chùa Thiên Trù.
Ba vị Hòa thượng đời vua Lê Thánh Tông 1442 – 1497 đã tìm thấy động Hương Tích và dựng lên thảo am Thiên Trù. Kể từ đó động Hương Tích được gọi là chùa trong, Thiên Trù gọi là chùa ngoài, rồi người ta lấy tên chung cho hai nơi và cả khu vực là chùa Hương hay “Hương Thiên Bảo Sái”.
Sau thời kỳ ba vị Hòa thượng khai sáng, chùa Thiên Trù chùa Hương gián đoạn trụ trì, mãi tới niên hiệu Chính Hòa năm thứ bẩy 1686 của thời vua Lê Trung Hưng. Hòa thượng Trần Đạo Viên Quang, (tương truyền cũng là một quan chức trong triều đình đã treo ấn từ quan để đi tu) mới lại tiếp tục công việc tạo dựng.
Tháng 3 năm Canh Dần 1770, Chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm tuần du Trấn Sơn Nam đã vào động Hương Tích thắp hương và vãn cảnh. Chúa cũng đề lên vách đá ngoài cửa động 5 chữ "Nam Thiên Đệ Nhất Động".
Ngôi chùa được xây dựng với quy mô chính vào khoảng cuối thế kỷ 17, sau đó bị hủy hoại trong kháng chiến chống Pháp năm 1947. Năm 1988 chùa được phục dựng lại do hòa thượng Thích Viên Thành dưới sự chỉ dạy của cố hoà thượng Thích Thanh Chân.
-
-
- Quần thể khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương)
-
Quần thể khu di tích thắng cảnh Hương Sơn hay còn gọi là Chùa Hương là một trong những danh thắng lịch sử, điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, được rất đông du khách gần xa quan tâm, đặc biệt là vào mùa lễ hội hằng năm.
Căn cứ theo sự phân bố các điểm di tích thắng cảnh, hình thành lên 3 tuyến chính:
+ Tuyến thứ nhất: Đền Trình, Chùa Thiên Trù, Động Tiên Sơn, Chùa Giải Oan, Đền Cửa Võng, Động Hương Tích, Động Hinh Bồng, Động Đại Binh, Đình Yến Vỹ.
+ Tuyến thứ hai: Hang Sơn Thủy Hữu Tình, Chùa Thanh Sơn, Động Hương Đài, Chùa Long Vân , Động Long Vân. Chùa Cây Khế, Hang Sũng Sàm, Đền Đục Khê.
+ Tuyến thứ ba: Đền Trình Chùa Tuyết Sơn, Chùa Tuyết Sơn, Động Tuyết Sơn , Chùa Cá.
Đây cũng là nơi diễn ra mùa lễ hội lớn và kéo dài nhất trong cả nước, thu hút hàng triệu lượt du khách hành hương, chiêm bái. Những điều này đã góp phần tạo nên danh xưng “Nam thiên đệ nhất động” cho quần thể di tích, được lưu truyền tới ngày nay.
- TIẾN TRÌNH LỄ HỘI CHÙA HƯƠNG
- Thời gian, địa điểm tổ chức lễ hội
Lễ hội Chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
Lễ hội kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng tới hạ tuần tháng 3 Âm lịch. Cao điểm nhất của mùa lễ hội chùa Hương là từ rằm tháng Giêng cho tới 18 tháng 2 Âm lịch. Đây là một trong những lễ hội có lượng người đến hành hương và vãn cảnh lớn nhất miền Bắc.
-
- Chuẩn bị trước lễ hội
Trước ngày mở hội một ngày, tất cả các đền, chùa, đình, miếu đều khói hương nghi ngút, không khí lễ hội bao trùm cả xã Hương Sơn. Mở đầu đội múa Lân sẽ múa một màn chào mừng du khách và các Phật tử từ khắp nơi.
Để chuẩn bị cho Lễ hội, Ban tổ chức đã tổ chức mở nhiều lớp tập huấn công tác giao tiếp văn minh - du lịch cho nhân dân xã Hương Sơn, tuyên truyền cho nhân dân nắm được nội quy, quy chế lễ hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ du khách. Tổ chức tập huấn luật Di sản văn hóa, Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng; luật du lịch, luật giao thông đường thủy nội địa. 100% số thuyền, đò tham gia vận chuyển khách phải có giỏ đựng rác, phao cứu sinh, chở đúng số người quy định.
-
- Trong thời gian lễ hội
- Phần lễ
- Trong thời gian lễ hội
Lễ thực hiện rất đơn giản, có nghiêng về "thiền".
Lễ khai sơn vốn là nghi lễ của người việt cổ tạ ơn thần núi, Chúa Sơn Lâm và cầu mong trong năm mới làm ăn may mắn tránh được tai ương, tà ma thú giữ. Trong ngày lễ này, sau những nghi thức cúng lễ dân làng cử một vị bô Lão có uy tín trong làng, gia đình song toàn, nhà không có tang... Thay mặt dân làng cầm dao đi ra phía sau Đền chặt một số cành cây, giây leo "làm phép". Kể từ ngày hôm đó người dân mới chính thức vào rừng.
Chùa ngoài thờ các vị sơn thần thượng đẳng với đủ màu sắc của đạo giáo. Đền Cửa Võng là "chân long linh từ" thờ bà chúa Thượng Ngàn, là người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là "tì nữ tuý Hồng" của sơn thần tối cao. Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ ngũ hổ và tín ngưỡng cá thần.
Chùa Trong có lễ dâng hương, gồm hương,hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Lúc cúng có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến dùng đồ lễ lên bàn thờ. Trong lúc gảy đàn, hai vị tăng ni múa rất dẻo và đẹp mắt.
Từ ngày mở hội cho đến hết hội, chỉ thỉnh thoảng mới có sư ở các chùa trên đến gõ mõ tụng kinh chừng nửa giờ tại các chùa, miếu, đền. Còn hương khói thì không bao giờ đứt.
Trong lễ hội có rước lễ và rước văn. Người làng dinh kiệu tới nhà ông soạn văn tế, rước bản văn ra đền để chủ tế trịnh trọng đọc, điều khiển các bô lão của làng làm lễ tế rước các vị thần làng.
Phần lễ là lúc du khách dâng hương, hoa quả và nguyện cầu những ước vọng cho cuộc sống, cho gia đình và cho một năm mới nhiều điều hạnh phúc và may mắn. Mọi du khách gặp nhau dù không quen biết nhưng vẫn nở trên môi nụ cười và cùng niệm “Nam mô A Di Đà Phật”.
-
-
- Phần hội
-
Sau khi kết thúc phần lễ sẽ đến phần hội dành cho du khách vui chơi khi đến vãn cảnh chùa. Lễ hội chùa Hương hàng năm tổ chức rất nhiều trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa như: bơi thuyền, leo núi, hát chèo, hát văn,..
Nét thanh tịnh của miền đất Phật đã tạo cho con người, cảnh vật hòa lẫn vào không gian khi vào hội. Đường vào chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền, cộng thú vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào nơi tiên cõi Phật. Con người được hòa nhập vào núi vãn cảnh chùa chiền và bắt đầu hành trình mới - hành trình leo núi. Leo núi chơi hang, chơi động. Cuộc leo núi tạo ra trong con người tâm lý kỳ vọng, muốn vươn lên đến cái đẹp. Và sự kỳ vọng cái đẹp hẳn sẽ làm cho con người thêm phần sảng khoái tin yêu cuộc đời này hơn. Ðường núi từ chùa Ngoài vào chùa Trong lúc nào cũng tấp nập.
Du khách sẽ được hòa mình không khí tưng bừng và sôi nổi của lễ hội mùa xuân và thưởng thức nhiều đặc sản của núi rừng Hương Sơn.
- CÔNG TÁC TỔ CHỨC, QUẢN LÝ LỄ HỘI CHÙA HƯƠNG
- Quy mô tổ chức
Đây là lễ hội cấp quốc gia và được coi là một trong những lễ hội có quy mô lớn nhất nước, thu hút hàng triệu lượt du khách về tham quan, vãn cảnh. Lễ hội Chùa Hương cũng là lễ hội có thời lượng dài nhất cả nước
Lễ hội chùa Hương năm 2018 tổng số tiền thu được 112 tỉ đồng với tổng số du khách khoảng 1.440.000 lượt khách. Trong mùa lễ hội 2019, riêng 3 ngày Tết, BQL đón khoảng 10 vạn người trẩy hội, cả năm hơn 1,5 triệu lượt khách. Do ảnh hưởng của dịch Covid 19, lượng khách về chùa Hương năm 2020 giảm 80%, còn khoảng 39 vạn.
-
- Ngân sách tài chính, nhân sự phục vụ lễ hội
Về quản lý tài chính, tại di tích có ban quản lý chịu trách nhiệm dưới sự giám sát của chính quyền địa phương, việc thu chi được thực hiện qua Kho bạc Nhà nước và công khai trước dân. Với cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, chủ yếu là nhà chùa sẽ do các sư trụ trì hoặc thông qua Ban Trị sự Giáo hội quản lý tiền công đức. Ngoài ra, tại một số điểm di tích, Ban Khánh tiết được nhân dân cử ra sẽ có trách nhiệm báo cáo công khai với chính quyền địa phương nội dung thu chi tiền công đức.
Nguồn thu chính của lễ hội từ việc bán vé. Giá vé thắng cảnh là 80.000 đồng/người cho toàn bộ 21 điểm di tích thắng cảnh Hương Sơn trong đã bao gồm cả bảo hiểm cho khách du lịch; giá vé xuồng đò là 50.000 đồng cả lượt vào và ra. Toàn bộ tiền thu được sẽ cân đối vào nguồn thu ngân sách của huyện Mỹ Đức. Mỗi mùa lễ hội chùa Hương ước tính số tiền giao dịch lên tới 700 tỷ đồng, tuy nhiên số tiền thu về cho ngân sách rất khiêm tốn: Trong đó tiền vé thắng cảnh khoảng 60 tỷ đồng, tiền cáp treo nộp ngân sách 20 tỷ đồng
Ban Tổ chức lễ hội đã thành lập các tiểu ban, trạm kiểm tra, tổ kiểm tra; trưng tập một số cán bộ, chiến sĩ của các cơ quan TP, huyện, xã Hương Sơn tham gia phục vụ lễ hội gồm: Tiểu ban văn hóa - xã hội; kinh tế - tài chính, an ninh trật tự, quản lý di tích - thắng cảnh và vệ sinh môi trường, quản lý điều hành cổng trạm; điều hành vận chuyển khách.
Các cơ quan chính quyền, đoàn thể địa phương đã phối hợp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Mỹ Đức cùng chư tăng, Phật tử chùa Hương xây dựng kế hoạch hướng dẫn, bố trí nhân lực phục vụ cho khách tham gia công tác tín ngưỡng được thuận lợi, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
-
- An ninh, trật tự trong quá trình tổ chức lễ hội
Với 18 tổ tuần tra trong khu vực lễ hội gồm lực lượng công an thành phố, công an huyện và các lực lượng khác tham gia, đã bảo đảm công tác trực ban 24/24 giờ, tiếp nhận và xử lý kịp thời những vấn đề nổi cộm do nhân dân, du khách phản ánh. Các hộ dân đã được tham khảo ý kiến và cùng thống nhất về phương án điều hành giao thông, tạo được sự đồng thuận ủng hộ trong cộng đồng.
Ban tổ chức lễ hội chùa Hương 2020 đã tập trung đẩy mạnh việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn lễ hội; hạn chế thấp nhất những hình ảnh tiêu cực, phản cảm như bói toán, cờ bạc, trộm cắp, móc túi, xả rác bừa bãi… Ban tổ chức nghiêm cấm xuồng và đò lắp động cơ hoạt động trên suối Yến, trừ một số lực lượng làm nhiệm vụ.
Đáng chú ý là việc cấm hoàn toàn kinh doanh tại khu vực phía trong các chùa, các động. Tuyệt nhiên không còn hiện tượng đổi tiền lẻ phản cảm. An ninh trật tự, an toàn giao thông được đảm bảo.
BTC lễ hội cũng lập kế phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn trong khu vực lễ hội, báo cáo Công an Thành phố Hà Nội tại các nơi đông người và bãi đỗ xe, nhà ga, cáp treo, nhà nghỉ
-
- Dịch vụ, vệ sinh môi trường
Ban Quản lý khu danh thắng và Ban Tổ chức lễ hội thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thu gom, xử lý rác thải hằng ngày trên cả đường bộ và đường thủy, đồng thời triển khai thực hiện tốt việc phục vụ miễn phí dịch vụ vệ sinh công cộng dành cho du khách và người hành hương, trảy hội.
100% hộ tham gia kinh doanh, dịch vụ cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, thực hiện niêm yết công khai giá và số điện thoại, không chèo kéo, đeo bám du khách.
Ban tổ chức lễ hội sẽ không bố trí các điểm kinh doanh ở nội tự các chùa, động, các đoạn đường hẹp hoặc vực sâu không an toàn, khu vực sân của nhà thường trực Ban tổ chức tại Thiên Trù, sân ngoài cổng Nam Thiên Môn, sân động Hương Tích, khu vực sân cổng động Hương Tích. Ban tổ chức cũng cấm quảng cáo và tổ chức các dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội.
-
- Tôn giáo, tín ngưỡng trong lễ hội
Ban tôn giáo, Ban trị sự Phật giáo huyện, chư tăng ni trụ trì, Ban quản lý các đền, chùa trong khu di tích - thắng cảnh xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng của BTC, xã Hương Sơn làm tốt công tác phục vụ hướng dẫn du khách về dự lễ hội, tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng theo quy định của pháp luật.
-
- Hoạt động truyền thông, quảng bá cho lễ hội
Thực hiện lắp dựng các cụm Panô, băng dôn, khẩu hiệu, nội dung và hình thức tuyên truyền, quảng bá phù hợp để du khách có được những thông tin cần thiết về khu di tích thắng cảnh và lễ hội . Tăng thời lượng tuyên truyền phát trên hệ thống truyền thanh để giúp cho việc quản lý và điều hành của Ban tổ chức Lễ hội. Duy trì hệ thống truyền thanh tuyên truyền từ Bến Thiên Trù tới Động Hương Tích ( Tuyên truyền cho du khách ở các cổng, trạm kiểm tra vé thắng cảnh và các điểm du lịch).
Ngoài ra, trong thời gian khai hội, các ngành, địa phương sẽ tổ chức gian hàng trưng bày, quảng bá các sản phẩm du lịch Hà Tĩnh.
-
- Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng
Trong 5 năm qua, cùng với nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa, Mỹ Đức đã đầu tư gần 300 tỷ cho công tác tu bổ, tôn tạo, duy tu, bảo dưỡng, xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ du khách tạo sự khang trang, thông thoáng, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp cho hàng triệu du khách về trẩy hội và gần 5.000 xuồng, đò qua lại.
Các di tích, hạng mục được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp đảm bảo theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa; nhân dân địa phương được trang bị kiến thức về tổ chức lễ hội, Luật Di sản văn hóa, Luật Giao thông đường thủy nội địa, về kỹ năng phục vụ dịch vụ du lịch...nhằm phục vụ du khách có mùa lễ hội chùa Hương an lạc, cát tường.
- GIÁ TRỊ THU ĐƯỢC TỪ LỄ HỘI CHÙA HƯƠNG
- Giá trị văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng
Chùa Hương không chỉ còn là giá trị một vùng miền, mà là di tích của quốc gia cũng là giá trị văn hóa tâm linh của một dân tộc, vì nó là giá trị sống của chuỗi phát triển văn hóa tín ngưỡng đạo phật của người dân Việt từ xa xưa cho tới ngày nay. Hành trình đến với Chùa Hương, với nhiều du khách cũng xem như là hành trình trở về với cõi Phật. Lễ hội chùa Hương không chỉ dừng lại ở chốn Phật đài hay bầu trời - cảnh bụt, mà thông qua các hoạt động lễ hội còn giúp con người hòa quyện với thiên nhiên vừa linh thiêng vừa tươi đẹp.
-
- Giá trị kinh tế - xã hội
Với vị thế đặc biệt và vai trò quan trọng của Lễ hội Chùa Hương trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mỹ Đức (Hà Nội), những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả cho việc nâng cao chất lượng phục vụ và thu hút du khách thập phương đến với chùa Hương.
Hằng năm, Lễ hội Chùa Hương thu hút khoảng trên 1,5 triệu du khách về chiêm cảnh, bái Phật. Qua đó tạo nguồn thu hàng chục tỷ đồng và cũng là nguồn thu chính cho ngân sách của huyện Mỹ Đức. Bên cạnh đó, còn tạo việc làm và thu nhập cho hàng ngàn người dân trên địa bàn và cư dân lận cận.
Lễ hội đã góp phần tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân và du khách về ý thức trách nhiệm trong việc tham gia bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị của di sản văn hóa, đồng thời thu hút khách thập phương về dự lễ hội kết hợp tham quan quần thể khi Di tích thắng cảnh Hương Sơn - Di tích Quốc gia đặc biệt, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của huyện.
-
- Tồn tại cần khắc phục
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì việc phát huy giá trị Lễ hội Chùa Hương trong du lịch chưa tương xứng với tiềm năng không gian và thời gian của Khu quần thể. Du khách đến với Chùa Hương từ nhu cầu tâm linh vẫn là chủ yếu, chưa khai thác hết nhu cầu du lịch của du khách. Việc gắn kết giữa du lịch tâm linh của quần thể thắng cảnh Hương Sơn và du lịch sinh thái, du lịch làng nghề truyền thống... trên địa bàn huyện vẫn còn chưa được phát huy và khai thác.
Tình trạng tiêu cực vẫn còn tái diễn trong những năm trở lại đây như do lượng người vào đi lễ đông, có những người tự ý phát cỏ làm đường tắt dẫn vào các lối, tự tiện đứng thu tiền lộ phí do mình tạo ra. Các chuyến đò vì lượng người quá đông thường chở người quá quy định, tắc đò diễn ra thường xuyên. Một số tình trạng chủ đò lừa lấy tiền trước, khách ngồi chờ nhưng lại không thấy chủ đò lại. Nhà vệ sinh không được quy hoạch, nên các hộ gia đình tự làm phục vụ khách có thu phí. Các dạng này cũ kỹ và bẩn thỉu, nhiều khách ngại vì bẩn nên vẫn tiểu tiện bậy bạ. Du khách vào hội vứt rác bừa bãi, trên bờ lẫn dưới suối Yến. Ban quản lý đã có rất nhiều biển báo cấm xả rác,đặt các thùng rác. Các thùng rác được đặt ít, thùng nhỏ nên lượng rác đưa vào quá tải trước lượng rác khổng lồ. Nhưng chủ yếu các động tác có trách nhiệm của du khách vẫn thờ ơ.
KẾT LUẬN
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị mà lễ hội Chùa Hương mang lại là góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa tâm linh độc đáo, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc biệt thu hút du khách trong và ngoài nước, tạo tiềm lực phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội cho địa phương nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.
Xem thêm