LỄ HỘI CHÙA BÀ BÌNH DƯƠNG

Phần 1

TỔNG QUAN VÀ CÔNG TÁC TỔ CHỨC

LỄ HỘI CHÙA BÀ BÌNH DƯƠNG

 

 

 

1.1. Tổng quan lễ hội Chùa Bà Bình Dương

          Chùa Bà hiện nay tọa lạc tại số 04 đường Nguyễn Du, thành phố Thủ Dầu Một. Theo các tư liệu, Chùa Bà do bốn Bang người Hoa tạo lập từ những năm đầu thế kỷ 20 ở Thủ Dầu Một với mục đích tôn kính, thờ phụng Bà Thiên hậu Thánh Mẫu, xuất phát từ tín ngưỡng của ngư dân gốc Hoa đối với vị nữ thần biển cả đã che chở họ trên đường lập nghiệp ở vùng đất phương Nam. Bà được dân gian huyền thoại hóa, xem như là thần tài lộc, phù hộ cho mọi công việc làm ăn buôn bán.

          Lễ cúng vía Bà được tiến hành vào lúc nửa đêm 14 đến sáng 15 tháng Giêng, khách hành hương đa số là người Việt gốc Hoa từ các nơi. Ngôi chùa được trang hoàng cờ và đèn lồng từ cửa tam quan vào đến điện thờ. Mười hai chiếc lồng đèn lớn trang trí đẹp mắt tượng trưng cho 12 tháng trong năm treo thành một hàng dài trước sân chùa, tạo quan cảnh ngày hội thêm lộng lẫy.

1.2. Công tác tổ chức lễ hội Chùa Bà Bình Dương

        Lễ hội Chùa Bà gồm Ban tổ chức lễ hội (tính riêng Ban Trị sự chùa Bà Bình Dương) và Ban Trị sự lễ hội gồm 16 thành viên của 4 Bang người Hoa ở Bình Dương: Hẹ, Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến. Hàng năm, các bậc cao niên luôn túc trực ở Chùa suốt mùa lễ hội để điều hành công việc chung và hướng dẫn các thành viên của Bang mình cùng tham gia vào việc chung nhằm đảm bảo các nghi thức trong lễ hội được duy trì và thực hiện theo truyền thống.

          Trong ngày rằm tháng Giêng, trước khi diễn ra phần chính của lễ hội là rước kiệu Bà, trong khuôn khổ các hoạt động, có Lễ đấu giá thánh đăng được diễn từ lúc 9 giờ. Tham gia đấu giá có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đa số là các doanh nghiệp người Việt gốc Hoa. Qua đấu giá tổng số tiền thu được hàng năm khoảng từ 3- 5 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền đấu giá sẽ được dùng cho công tác từ thiện xã hội, ủng hộ các quỹ từ thiện của tỉnh Bình Dương, gây quỹ dành cho việc dạy và học tiếng Hoa ở trường Tiểu học Lê Văn Tám (thành phố Thủ Dầu Một)

 

          Vào ngày lễ chính, hơn 15 giờ ngày rằm tháng Giêng, lễ rước kiệu Bà được tổ chức theo lối cổ truyền: kiệu Bà bắt đầu xuất phát từ miếu Bà Thiên Hậu đi theo lộ trình: Nguyễn Du - Vòng xoay ngã 6 -Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Đoàn Trần Nghiệp - Hùng Vương - Cách Mạng Tháng Tám và trở về miếu Bà. Theo đó, 4 Bang người Hoa lần lượt dẫn đầu đoàn rước kiệu, sau đó đến các đoàn lân sư rồng trong và ngoài tỉnh. Kiệu Bà được rước đi xung quanh trung tâm thành phố Thủ Dầu Một trong tiếng kèn, trống, phèng la rộn rã, với sự mở đường của cảnh sát giao thông và lực lượng bảo vệ an ninh trật tự lễ hội, mọi người chuẩn bị bàn lễ cúng trước nhà mình nơi đoàn rước kiệu Bà đi qua để cầu phúc, cầu lộc cho năm mới... Với hàng chục đoàn lân sư rồng cùng nhiều đoàn xe hoa càng làm cho phố phường Bình Dương thêm nhộn nhịp, ngập tràn hương sắc của lễ hội.

          Để bảo đảm trật tự trị an cho du khách, Ban tổ chức cũng đã hợp đồng với cty vệ sĩ trong mỗi kíp trực và hợp đồng với nhóm vệ sĩ đường phố để công tác trị an được nâng cao hơn.

          Để tránh nạn chèo kéo, chặt chém du khách, các dịch vụ kinh doanh, buôn bán, giữ xe… đều phải niêm yết giá. Ban tổ chức cũng lập nhiều tổ công tác thường xuyên kiểm tra việc này.

          Để hạn chế tình trạng buôn bán xô bồ, Ban tổ chức đã cố gắng đặt bàn cho những người bán vé số dạo, ưu tiên cho người khuyết tật ngồi bán ở những nơi thuận tiện.

          Bên cạnh công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… của các cơ quan chức năng thành phố, công tác thiện nguyện của các cá nhân, tổ chức tham gia đã góp phần làm cho lễ hội rằm tháng Giêng trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một có nét đặc sắc riêng, tạo được nhiều ấn tượng tích cực cho người dân trong và ngoài tỉnh.

          Vài năm nay, từ sự chung tay của các nhà hảo tâm, một nhà vệ sinh thông minh có giá trị khoảng 1,5 tỷ đồng hoạt động hoàn toàn miễn phí để phục vụ du khách gần xa trong cả năm.

          Trong thời gian lễ hội Chùa Bà, nhiều dịch vụ miễn phí như đồ ăn, nước uống, xe ôm, khăn lạnh… được người dân và các bạn Đoàn viên thanh niên địa phương thực hiện mang lại nét đẹp ý nghĩa cho mùa lễ hội. Nhiều người gọi đây là một “lễ hội miễn phí” như: vá xe miễn phí, xe ôm miễn phí, sử dụng wifi miễn phí, phát đồ ăn thức uống, khăn lạnh miễn phí, phát nhang, cây phát tài miễn phí…được người dân và các bạn đoàn viên thanh niên địa phương thực hiện nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân, nhất là khách thập phương đến tham gia mùa Lễ hội chùa Bà Rằm tháng giêng được thoải mái, an toàn.

          Sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt của các cấp, ngành và các đơn vị trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một là cơ sở quan trọng để lễ hội rằm tháng Giêng diễn ra vui tươi, an toàn, mang nét văn hóa truyền thống của địa phương. Đặc biệt thông qua lễ hội, thể hiện tính năng động, nghĩa tình, mến khách của đất và người Bình Dương.

Một số hình ảnh của Lễ hội rước kiệu Bà Bình Dương

         

 Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương tiếp nhận ủng hộ của Ban trị sự chùa Bà TP.Thủ Dầu Một ủng hộ, chia sẻ với đồng bào miền Trung bị thiệt hại do mưa, lũ gây ra ngày 19/10/2020 (Ảnh: Báo Bình Dương)

Phần 2

LỄ HỘI CHÙA BÀ BÌNH DƯƠNG TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH

2.1. Công tác quảng bá lễ hội Chùa Bà Bình Dương

          Tỉnh Bình Dương có rất nhiều lễ hội tại các đình, chùa, di tích văn hóa lịch sử nhưng lớn nhất là lễ hội Chùa Bà hằng năm vào ngày rằm tháng Giêng Âm lịch tại miếu Bà Thiên Hậu “Thiên Hậu Cung” mà người dân thường gọi là Chùa Bà, một cơ sở tín ngưỡng dân gian quan trọng của đồng bào người Việt gốc Hoa tại tỉnh Bình Dương.

          Mặc dù chỉ đơn thuần là một sinh hoạt tín ngưỡng mang tính chất dân gian, nhưng qua hàng trăm năm nay, tín ngưỡng này đã trở thành một lễ hội có quy mô lớn bậc nhất miền Đông Nam Bộ vào dịp rằm tháng Giêng Âm lịch hàng năm, với những nghi lễ văn hóa mang đậm bản sắc đặc trưng của vùng đất Bình Dương.

          Đánh giá được vai trò và tầm quan trọng việc quảng bá lễ hội Chùa Bà cho sự phát triển du lịch – kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương, các cấp cơ quan Nhà nước, các cơ quan truyền thông… đã góp phần thông tin về lễ hội Chùa Bà cùng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cũng như các chính sách, chủ trương của Nhà nước về hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội đến với người dân nhanh chóng và rộng khắp.

          Các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh cũng góp phần quảng bá hình ảnh lễ hội Chùa Bà thông qua việc tổ chức các chương trình hành hương tham quan đình chùa và tham dự lễ hội vào dịp rằm tháng Giêng.

          Trong thời đại 4.0 ngày nay, thông tin về lễ hội Chùa Bà được cập nhật liên tục trên internet cũng giúp người dân tiếp cận nhanh hơn về thời gian tổ chức, các thông tin liên quan đến lễ hội.

          Lễ hội Chùa Bà ngày nay không chỉ là ngày hội lớn của cộng đồng người Việt gốc Hoa ở Bình Dương mà còn thu hút hàng trăm ngàn lượt khách trong tỉnh và từ các tỉnh thành lân cận đến hành hương, góp phần tăng cường tình đoàn kết gắn bó của các dân tộc và trở thành nét văn hóa chung trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

2.2. Hiệu ứng của lễ hội Chùa Bà Bình Dương với phát triển du lịch

          Lễ hội Chùa Bà đã góp phần rất lớn đến việc quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh Bình Dương, xác định Bình Dương cũng là một điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, tác động tích cực đến phát triển du lịch của tỉnh Bình Dương nói riêng và vùng miền Đông Nam bộ nói chung.

          Lễ hội Chùa Bà không chỉ góp phần đa dạng hóa loại hình du lịch của tỉnh Bình Dương mà còn thúc đẩy cộng đồng bảo tồn và phát triển lễ hội, giúp du khách tìm hiểu và cảm nhận những giá trị văn hóa, phong tục, đời sống lao động sản xuất thông qua hoạt động tại lễ hội. Lễ hội Chùa Bà hòa cùng lòng hiếu khách, sự tử tế của người dân Bình Dương đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc, là lễ hội đầu xuân của mọi người, mọi nhà.

          Lễ hội Chùa Bà là nền tảng để mở rộng dịch vụ du lịch, tăng nguồn thu cho địa phương, đem lại lợi ích kinh tế không nhỏ. Việc thu hút hàng chục ngàn lượt người đến dự lễ đã thúc đẩy phát triển các dịch vụ vận chuyển, ăn uống, lưu trú, quà lưu niệm... tạo nguồn thu rất lớn cho ngân sách địa phương hàng năm, giúp địa phương có kinh phí bảo dưỡng, trùng tu di tích, chăm lo an sinh xã hội.

          Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế và trình độ dân trí được cải thiện, lễ hội được tổ chức với quy mô ngày càng lớn và nhiều lễ hội đã trở thành biểu tượng của một quốc gia. Có thể nói, lễ hội là nguồn tài nguyên của du lịch trên cơ sở các hoạt động du lịch khai thác và phát triển nguồn tài nguyên này phù hợp với văn hóa, phong tục và cộng đồng dân cư bản địa.

KẾT LUẬN

          Lễ hội Chùa Bà Bình Dương có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho hoạt động du lịch, địa phương ngoài việc tuân thủ và chấp hành nghiêm túc các văn bản chỉ đạo Nhà nước về công tác tổ chức, quản lý lễ hội, cần phải nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý, không đùn đẩy, né tránh; tăng cường phối hợp liên ngành; phân công trách nhiệm rõ ràng cho các đơn vị tham gia. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm trong xử lý những hiện tượng tiêu cực, bói toán, đốt vàng mã tràn lan, biến tướng lễ hội…

          Công tác tuyên truyền về lễ hội cần phải được thông tin đầy đủ, đúng mực, khách quan - coi đây là một trong những giải pháp thiết thực, góp phần giúp người dân hiểu đúng bản chất, giá trị, ý nghĩa nhân văn của lễ hội Chùa Bà, mang lại giá trị tốt đẹp cho xã hội và mỗi người dân.

          Thực hiện tốt công tác khen thưởng trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội; đa dạng hóa các hình thức động viên, khích lệ; kịp thời biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác tổ chức và tham gia hoạt động lễ hội.

          Công tác quản lý và tổ chức lễ hội luôn cần có sự chung tay góp sức của các ngành, các địa phương, đặc biệt là vai trò tuyên truyền định hướng dư luận của truyền thông và sự vào cuộc của cộng đồng để đưa hoạt động lễ hội ngày càng đi vào nề nếp; góp phần gìn giữ, phát huy và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của lễ hội tới mọi tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế.


Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng